Theo báo Điện tử Thanh hóa, cơn bão số 10 đi qua, một nửa đất nước vừa oằn mình trong mưa lũ, khắc phục hậu quả chưa xong thì áp thấp nhiệt đới lại kéo đến. Đau đớn, xót xa với những cảnh tượng lặp đi, lặp lại, hết năm này qua năm khác, hết đợt lũ này đến đợt lũ khác: Những khu dân cư bị cô lập hoàn toàn; nhà cửa, cầu cống bị sập đổ, vùi lấp, cuốn trôi; đường giao thông bị chia cắt; người thiệt mạng; gia súc, gia cầm chết la liệt… Một lần nữa, những cái tên Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa… lại quằn quại trong trái tim những con dân đất Việt từ trong nước lẫn nước ngoài.
Đặc biệt, trong đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, hàng loạt vị trí đê bị lũ tràn, sạt trượt, vỡ, cho thấy sức chống đỡ vô cùng yếu ớt trước lũ lụt, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hàng triệu người dân trong tỉnh. Có nơi như đê sông Bưởi ở Thạch Thành, nước lũ vượt cả cao trình đê. Đê sông Cầu Chày sạt và vỡ ba điểm: Thọ Trường, Yên Phú, Yên Minh. Ngay cả đê nội đồng ngăn sông Nông Giang tại Yên Lạc cũng vỡ gây ngập lụt nghiêm trọng. Có những vùng dân cư từ trước tới nay chưa bao giờ ngập, trong đợt này cũng hứng chịu lũ lụt nặng nề.
Milk 36 cùng đoàn thanh niên thành phố, các thành viên tình nguyện T36 hỗ trợ bà con thu dọn bùn đất, rác thải, súc vật chết, cây cối gãy đổ. Lực lượng y tế dự phòng cũng về cơ sở giúp bà con xử lý ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tránh phát sinh dịch bệnh sau lũ. Thêm nữa, phối hợp của Tập đoàn Taxi Mai Linh và Công ty CP Sữa Thanh Hóa Milk 36, đoàn thiện nguyện đã có thêm nguồn ủng hộ vật chất, phương tiện chở người, hàng hóa để kịp thời lên đường đến với bà con vùng lũ Thanh Hóa. Năm trăm suất quà, gần 10 tấn gạo, 10 máy lọc nước và hàng chục ngàn cuốn vở đã được đưa về năm xã thuộc ba huyện Nông Cống, Yên Định, Thọ Xuân, trao tặng cho bà con và các nhà trường bị thiệt hại do lũ.
Dù đường sá xa xôi, lượng hàng hóa lớn phải bốc vác, vận chuyển khá nặng nhọc, nhưng tất cả mọi người đều lăn xả vào công việc. Những người hàng ngày là lãnh đạo ở cơ quan, doanh nghiệp, cũng lao vào khiêng vác không một chút nề hà. Đợt thiên tai vừa qua đã khiến cuộc sống bà con lam lũ hơn, vì biết bao sự nỗ lực của những ngày tháng một nắng hai sương đã tan biến chỉ trong phút chốc, khi cơn lũ đi qua. Nhìn gương mặt những người nông dân khắc khổ, những bàn tay gầy guộc còn hằn vết bùn đất nắm lấy tay người trao quà để nói lời cảm ơn mộc mạc, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào.
Tại xã Tế Nông, huyện Nông Cống, mẹ con bà Nguyễn Thị Khuyên chỉ có ngôi nhà tranh lụp xụp để trú ngụ. Năm ngoái con trai bà vừa bị tai nạn giao thông vỡ xương trán còn chưa có tiền lắp xương nhân tạo, bản thân bà tiểu đường nặng, nay sau cơn lụt có đàn gà, ao cá là tài sản đáng giá nhất cũng mất trắng. Chị Nguyễn Thị Vân thì một nách ba con nhỏ, chồng đi làm ăn xa không liên lạc được, tài sản có hai con lợn và đàn gà cũng chết sạch. Trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo của vợ chồng ông Nguyễn Thành Luân, một cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, không có bất cứ đồ đạc gì đáng tiền. Khi thấy đông người vào nhà, ông Luân trở nên kích động, la hét om xòm, bà Nguyễn Thị Đê vợ ông Luân ứa nước mắt khi nhận túi quà từ những tấm lòng hảo tâm. Ông Vũ Văn Thắm là thân nhân liệt sĩ, bản thân mắc bệnh tâm thần điên loạn, sống trong ngôi nhà cửa dả trống hoác. Hàng ngày may có người hàng xóm tốt bụng là bà Hoàng Thị Tín nấu giúp miếng cơm, nhưng bà Tín là phụ nữ góa bụa, nuôi 3 con học đại học nên gia cảnh cũng khó khăn… Những mảnh đời này đã vô cùng cơ cực, nay lại trải qua lũ dữ hoành hành, cuộc sống càng trở nên bi đát hơn. Ở mỗi hộ đến thăm, ngoài phần quà chung do đoàn thiện nguyện trao, Công ty Taxi Mai Linh còn tặng thêm phần quà 1 triệu đồng, trên tổng số 25 hộ của 5 xã. Gia đình chị Quách Thị Huê, thôn Phú Thọ, xã Định Tăng, huyện Yên Định, chồng vừa mất trong đợt lũ vừa qua, giờ một mình chị phải nuôi 3 con, trong đó cháu út mới chỉ 8 tháng. Anh Lê Thế Ngân, Hội trưởng Hội Trái Tim Yêu đã đề nghị đưa trường hợp chị Huê vào danh sách hỗ trợ gạo hàng tháng của hội. Những hành động rất kịp thời ấy không chỉ góp phần giảm bớt nỗi khốn khó vật chất cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mà còn là món quà tinh thần, tạo thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống.
“Có qua cơn hoạn nạn, mới hiểu được lòng nhau”. Chân lý ấy thêm một lần được chứng minh trong đợt lũ tại Thanh Hóa vừa qua. Khi thiên tai xảy ra, bà con cùng nương tựa nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Qua đây, cán bộ cơ sở cũng phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhân dân, tôi rèn phẩm chất “công bộc của dân” như lời Bác Hồ dạy. Và đặc biệt, truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam được đề cao hơn lúc nào hết, thôi thúc những con tim hướng về vùng bị thiên tai, mỗi người một tấm lòng, mỗi người một cánh tay, dành những tình cảm, sự quan tâm thiết thực nhất, giúp bà con vơi bớt khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nguồn: Báo điện tử Thanh hóa