Giá trị “con bò sữa tỷ đô” Vinamilk còn nằm ở đâu?

Với bất cứ một doanh nghiệp nào, ban lãnh đạo đóng vai trò sống còn tới sự phát triển cũng như giá trị của doanh nghiệp.

Trong một tháng qua kể từ khi Chính phủ tuyên bố thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp nhà nước lớn đang ăn nên làm ra, trong đó có Vinamilk (VNM), câu chuyện thoái vốn tại “con bò sữa tỷ đô” VNM đã gây không ít ồn ào trên các phương tiện truyền thông Việt Nam. Thậm chí, chuyện này còn được đưa ra bàn ngay tại nghị trường Quốc hội. Đã có những tuyên bố “khủng” của một số quan chức, nhà nghiên cứu và giới đầu tư. Tuy vậy, việc thoái vốn như thế nào, bao giờ thoái, ai mua, sử dụng tiền thu được ra sao … vẫn còn đang được bàn, và tất cả còn phải chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ sau khi Bộ Tài chính và SCIC trình lên. Có một điều lạ là hầu như không thấy có ý kiến nào về vai trò của ban điều hành VNM đối với quá trình thoái vốn này như thế nào.

Đối với bất kể công ty nào và ở đâu, khi nhà đầu tư định đầu tư vào công ty đó thì họ đều phải quan tâm đến đội ngũ quản lý, đặc biệt là vai trò của “thuyền trưởng” (tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị) và hoạt động kinh doanh của công ty đó. Cứ theo sách vở và kinh nghiệm kinh doanh thì thà đầu tư vào công ty có đội ngũ quản lý hạng A và sản phẩm hạng B chứ không nên đầu tư vào công ty có sản phẩm hạng A nhưng đội ngũ quản lý lại là hạng B. Nhà đầu tư/cổ đông sẵn sàng “liên minh” với những lãnh đạo giỏi của công ty và tìm mọi cách giữ chân họ (bằng lương bổng, cổ phiếu thưởng tùy theo thành thích và kết quả kinh doanh). Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp càng tốt thì lợi ích của “thuyền trưởng” và ê-kip càng lớn, có thể là một phần không nhỏ của “chiếc bánh” lợi nhuận mà công ty làm ra. Nếu không thì nguy cơ việc “thuyền trưởng” và thủy thủ đoàn đi tìm một “bến bờ mới” là cao.

Đối với trường hợp của VNM, điều này không phải là ngoại lệ. Có chăng ngoại lệ ở đây là việc công ty này vừa có đội ngũ lãnh đạo và “thuyền trưởng” hạng A, lại vừa sở hữu sản phẩm cũng… hạng A. Một ngoại lệ khác là mặc dù tập thể và cá nhân ấy đã cùng xây dựng một công ty có vốn hóa thị trường chưa đến 100 triệu USD khi cổ phần hóa (năm 2003) thành “con bò sữa tỷ đô”, mà nếu tính theo định giá “tin đồn F&N” mới đây còn lên đến gần 10 tỷ USD, rõ ràng họ chưa được đổi xử một cách tương xứng. Với 0,27% cổ phiếu đang sở hữu, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM, có lẽ là người được tưởng thưởng vào loại tệ nhất trong giới kinh doanh trên thế giới dựa trên thành tích kinh doanh. Không năm nào SCIC bỏ phiếu ủng hộ cho việc phát hành cổ phiếu thưởng cho ban lãnh đạo VNM. Giả sử, nếu SCIC bỏ phiếu ủng hộ việc đó suốt mấy năm vừa qua thì có lẽ “con bò sữa chục tỷ đô” này bây giờ còn có giá trị cao hơn nhiều, và ai được lợi thì …ai cũng biết. Có gợi ý là SCIC có thể “bù lại” bằng việc cam kết dành một tỷ lệ nhất định số tiền thu được từ thoái vốn đó để thưởng cho ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên VNM –những người chung tay xây dựng nên VNM ngày nay, bởi làm như vậy cũng chính là làm cho VNM “có giá” hơn. Đấy là sự khôn khéo của người bán và chắc người mua cũng sẽ ủng hộ, thay vì “tận thu, tận diệt”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.